Bài 88: Nền tảng Kinh Thánh của lời kinh Mân Côi | Dưới ánh sáng Lời Chúa
Chúa nhật XXVII Thường Niên năm B là Chúa nhật đầu tiên của tháng 10, Giáo Hội kính trọng thể Lễ Đức Mẹ Mân Côi (tông sắc Monet Apostolus của ĐGH Grê-gô-ri-ô XIII năm 1573) để nhớ ơn Đức Mẹ đã cứu giúp liên minh Ki-tô giáo Châu Âu chiến thắng trước sự bành trướng của đạo quân Hồi Giáo Ottaman tại vịnh Lepanto vào ngày 07 tháng 10 năm 1571. Chiến thắng xảy ra sau khi Đức Giáo Hoàng Pi-ô V kêu gọi người công giáo Châu Âu cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi. Vì vậy, Lễ Đức Mẹ Mân Côi ban đầu còn được gọi là Lễ Đức Mẹ Chiến Thắng (tông hiến Salvatoris Domini, 1572).
Năm 1716, Đức Clêmentê XI nới rộng lễ này ra khắp Hội Thánh hoàn vũ để ghi nhớ một cuộc chiến khác với quân Hồi Giáo, cũng thắng trận nhờ cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi (tại Peterwarodine gần Vienna, ngày 5/8/1716).
Hơn nữa, vào năm 1917 tại làng Fa-ti-ma nước Bồ Đào Nha, chính Đức Ma-ri-a đã hiện ra với ba em nhỏ và tự xưng là “Đức Bà Mân Côi”, Mẹ tha thiết mời gọi người ta siêng năng lần chuỗi để tội nhân được ơn hoán cải và chiến tranh thế giới sớm kết thúc. Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã xem Kinh Mân Côi tự bản chất là “lời kinh cầu cho hoà bình” và là “bí quyết của hoà bình” (x. Rosarium Virginis Mariae số 40).
Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu Kinh Mân Côi là gì (1), nền tảng Kinh Thánh của lời Kinh này (2), và lối cầu nguyện chiêm ngưỡng với Kinh Mân Côi (3).
1. Kinh Mân Côi là gì ?
Về mặt từ ngữ, Kinh Mân Côi còn được gọi là Kinh Ro-sa, có nghĩa là Kinh Hoa Hồng, hạn từ này bắt nguồn từ tiếng La-tinh Rosarium có nghĩa là “vòng hoa hồng”. Âm Hán Việt của từ Hoa Hồng được đọc là Mai Côi hoặc Môi Khôi (玫-瑰 : mai/môi - côi/khôi). Theo từ điển Hán Việt Hiện Đại, có chín Hán tự thông dụng được đọc với âm Hán Việt là Mân, nhưng không có từ nào trong chín từ này mang nghĩa là Hoa Hồng. Theo từ điển công giáo, có lẽ âm Hán Việt Mai Côi hay Môi Khôi đã được âm nôm hoá và đọc trại thành Mân Côi (cũng cần lưu ý rằng, từ Mân trong Hán nôm/cổ tự (玟) có thêm hai đồng âm là Văn, Mai. Vì vậy, chúng ta thấy có nhiều cách đọc khác là do đồng âm)
Trong Kinh Mân Côi có Kinh Kính Mừng được đọc lặp đi lặp lại, lời Kinh này được ví đẹp tựa những đoá hoa hồng dâng lên Đức Mẹ. Vì vậy, một chuỗi gồm 50 hạt được dùng để lần, để đếm 50 Kinh Kính Mừng được gọi là một chuỗi Mân Côi, một tràng Hoa Hồng (Rosarium).
2. Nền Tảng Kinh Thánh Của Kinh Mân Côi
Dựa trên truyền thống Kinh Mân Côi lâu đời, Đức giáo hoàng Pi-ô V chính thức thiết định Kinh Mân Côi gồm 15 mầu nhiệm : “Năm Mầu Nhiệm Vui”, “Năm Mầu Nhiệm Thương” và “Năm Mầu Nhiệm Mừng”. Và để cho Kinh Mân Côi trở thành bản tóm lược của toàn bộ Tin Mừng cách đầy đủ hơn, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã công bố thêm “Năm Mầu Nhiệm Sáng” gồm các mốc biến cố quan trọng trong cuộc đời sứ vụ công khai của Đức Ki-tô, khởi đi từ biến cố Đức Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan cho đến Bữa Tiệc Ly cuối cùng (Mt 3,13-17 – Mt 26,26-28 ; Mc 1,9-11 – Mc 14,22-24 ; Lc 3,21-22 – Lc 22,19-20). Năm biến cố này của “Mầu Nhiệm Sáng” cũng như 15 biến cố của các Mầu Nhiệm khác được gợi lên để suy niệm trước khi đọc 10 Kinh Kính Mừng, những biến cố này giống như các tiêu đề tóm tắt, giúp tâm trí tập trung vào mầu nhiệm. Vì chỉ như là các đề mục nên Kinh Mân Côi giả định trước và cổ võ việc đọc Kinh Thánh (x. Rosarium Virginis Mariae số 29).
“Năm Mầu Nhiệm Thương” và “Năm Mầu Nhiệm Mừng” mô tả mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su. Đấng chịu đau khổ, chịu chết, sống lại và lên trời. Tất cả các biến cố này được ghi lại trong sách Tin Mừng, trừ ra 2 mầu nhiệm cuối cùng là : “Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời” ; và mầu nhiệm “Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời”. Hai mầu nhiệm này tuy không viết cách minh nhiên trong Kinh Thánh nhưng lại diễn tả phần tín lý về mầu nhiệm con người, mầu nhiệm giáo hội, và là hoa trái đức tin của các tín hữu. Vì “Mẹ của Đức Giê-su được vinh hiển hồn xác trên trời là hình ảnh của Giáo Hội phải được hoàn thành ở đời sau”. Đức Ma-ri-a được xem là người “tiên phong” đón nhận trọn vẹn ơn cứu độ, đồng thời là hình ảnh “tiêu biểu” cánh chung của Giáo hội cũng như của mỗi tín hữu (x. Lumen Gentium, 68).
– Kinh Kính Mừng Trong Kinh Mân Côi
Kinh Kính Mừng là kinh nguyện chính yếu của Kinh Mân Côi. Kinh Kính Mừng có hai vế. Vế thứ nhất là sự kết hợp giữa hai lời chào, lời chào của Sứ Thần Gáp-ri-en và lời chúc khen của bà Ê-li-sa-bét dựa theo Tin Mừng Lu-ca (Lc 1,28.41.42).
“Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc,
Đức Chúa Trời ở cùng Bà,
Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ,
và Giê-su con lòng Bà gồm phúc lạ”.
Trong sách Đa-ni-en, sứ thần Gáp-ri-en xuất hiện để giúp hiểu thị kiến và loan báo công trình cứu độ, sự công chính vĩnh cửu vào thời cùng tận (Đn 8,16 ; 9,21-24).
– Mừng vui lên : khai-rê là kiểu chào thông thường trong văn chương Hy Lạp và được cả người Sê-mít dùng trong Tân Ước (x. Mt 26,49 ; 28,9). “Mừng vui lên” xuất hiện bốn lần trong Bản LXX (Xp 3,14 ; Ge 2,21 ; Dcr 9,9 ; Ac 4,21). Đó là một lời sấm ngỏ với Ít-ra-en hoặc Giê-ru-sa-lem để nói về cuộc tái thiết Dân Thiên Chúa như trong Dcr 9,9 “Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò ! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi. Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ”. “Thiếu nữ Xi-on”, tức Dân Chúa, được mời gọi vui lên, vì được Đức Chúa đến viếng thăm. Rất có thể Luca ám chỉ Đức Ma-ri-a là “thiếu nữ Xi-on”.
– Hỡi bà đầy ân sủng : Công thức này như là một tên riêng sứ thần Gáp-ri-en đặt cho Đức Ma-ri-a (x. Tl 6,12), trong tiếng Hy-lạp là “kekharitòmenè”. Từ ngữ này cho thấy Đức Ma-ri-a là Đấng đã và đang được Thiên Chúa sủng ái”, nên được “đầy ân sủng”, “vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1,30). Đặc điểm này nơi Đức Ma-ri-a nổi bật đến nỗi sứ thần đã chào, không bằng tên riêng “Ma-ri-a”, mà bằng danh tánh “Hỡi bà đầy ân sủng”, như là một tên riêng mới Thiên Chúa ban cho Mẹ.
– Đức Chúa ở cùng bà : Công thức này được dùng thường xuyên trong Cựu Ước, nhưng dưới dạng lời chào thì chỉ có hai lần (R 2,4 ; Tl 6,12). Do Lc 1,28 tương tự với Tl 6,12, nên chúng ta có thể hiểu đây là một tuyên bố. Lời đảm bảo này chỉ được ban cho những người được kêu gọi trong lịch sử dân Thiên Chúa.
“Đức Chúa ở cùng” là lời chào thường gặp khi Đức Chúa mời gọi ai đó đi vào một sứ vụ, bảo đảm sự hiện diện đầy quyền uy của Đức Chúa cho những ai đáp lại và thi hành ý định của Người : Đức Chúa phán với I-xa-ác “Đừng sợ, vì Ta ở với ngươi”(St 26,24). Người nói với Gia-cóp “Này Ta ở với ngươi” (St 28,15). Chúa bảo đảm với Mô-sê : “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3,12). Thần sứ Đức Chúa hiện ra với Ghít-ôn và nói : “ĐỨC CHÚA ở với ông” (Tl 6,12). Đức Chúa phán với ngôn sứ Giê-rê-mi-a : “Đừng sợ, Ta ở với ngươi để cứu sống và giải thoát ngươi” (x. Gr 1,8 ; Gr 15,20).
Như vậy, với cụm từ “Mừng vui lên, hỡi bà đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28), khung cảnh ơn gọi của Đức Ma-ri-a được xác định là: niềm vui, ân sủng và sự trợ giúp đặc biệt của Thiên Chúa.
Tiếp theo là lời chúc khen của bà Ê-li-sa-bét : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1,41-42). Lời này âm vang lời khen ngợi xưa dành cho bà Giu-đi-tha vì kỳ tích bà hạ gục tướng Hô-lô-phéc-nê của Át-sua : “Này trang nữ kiệt, bà được Thiên Chúa Tối Cao ban phúc hơn tất cả các phụ nữ trên cõi đất này” (Gđt 13,18).
Gio-an Tẩy Giả trong bụng bà Ê-li-sa-bét nhảy lên vui sướng trước Đức Mẹ “Theotokos” với tư cách là người mang Chúa, giống như Đa-vít nhảy múa vui mừng trước Hòm Bia Thiên Chúa (x. 2 Sm 6,14). Vì thế, trong Kinh cầu Đức Bà, Đức Ma-ri-a đã được xưng tụng rằng : “Đức Bà như Hòm Bia Thiên Chúa Vậy”. Lời chúc khen của bà Ê-li-sa-bét cho thấy Đức Ma-ri-a có phúc thật “vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói” (Lc 1,45 ; Lc 11,27-28).
Vế thứ hai của Kinh Kính Mừng được gọi là lời cầu nguyện của Giáo Hội được Đức Giáo Hoàng Pi-ô V chính thức thêm vào. Giáo Hội xin Đức Mẹ cầu thay nguyện giúp cho con cái mình trong giây phút hiện tại cũng như khi hấp hối trong giờ chết :
“Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời,
cầu cho chúng con là kẻ có tội
khi nay và trong giờ lâm tử. A-men”.
Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa là một trong 4 tín điều về Đức Ma-ri-a mà Giáo Hội đã định tín. Trong các sách Tin Mừng, Đức Ma-ri-a được gọi là “Thân mẫu Đức Giê-su” (Ga 2,l ; l9,25). “Thân Mẫu Chúa tôi” (Lc 1,43). Hội Thánh tuyên xưng Đức Ma-ri-a thật sự là Mẹ Thiên Chúa (GLHTCG số 495). Định tín này bắt nguồn và diễn tả sâu xa niềm tin về Đức Giê-su Ki-tô, Con Đức Nữ Trinh Ma-ri-a, là Thiên Chúa thật và là người thật trong một ngôi vị duy nhất (Công Đồng Chalcêđônia, 451).
3. Kinh Mân Côi, Một Lối Cầu Nguyện Chiêm Ngưỡng
Đường lối cầu nguyện của Ki-tô Giáo ưu tiên chăm chú vào việc suy niệm “các mầu nhiệm của Đức Ki-tô”, và Kinh Mân Côi được xem như là một trong những lối cầu nguyện được huấn quyền khuyến khích để suy niệm các mầu nhiệm của Người (x. GLHTCG số 2708). Đọc Kinh mân côi chính là cùng với Đức Ma-ri-a chiêm ngưỡng dung nhan Đức Ki-tô (x. RVM, số 3).
Chiêm ngưỡng Đức Ki-tô với “dung nhan chói lọi như mặt trời” (Mt 17,2). Hình tượng này sẽ chiếu sáng toàn bộ các biến cố thường nhật và các nỗi đau thương trong cuộc sống nhân loại của Người, cho đến khi nhận ra vẻ huy hoàng được biểu lộ một cách chung cuộc nơi Đấng Phục Sinh (x. RVM, số 9). Ánh sáng đó cũng ló rạng vào tận cuối mọi con đường và làm cho mọi biến cố của mầu nhiệm con người chúng ta có ý nghĩa.
Kinh Mân Côi là một lối chiêm ngưỡng có khả năng đào tạo người Ki-tô hữu có trái tim của Đức Ki-tô. Việc lặp đi lặp lại 10 Kinh Kính Mừng sau khi công bố một mầu nhiệm diễn tả lòng khao khát được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, cùng với Mẹ Ma-ri-a chiêm ngưỡng và suy gẫm mầu nhiệm mà chính Mẹ đã suy ngẫm trong trái tim mình. Việc lặp đi lặp lại Kinh Kính Mừng cách thanh thản làm cho mầu nhiệm của biến cố ấy được liên tục chiêm ngắm, các giác quan được chiếm hữu và mở ra để tham gia vào thực cảnh của mầu nhiệm và gặp gỡ Đức Ki-tô trong các mầu nhiệm của Người. Sau mỗi 10 kinh, lời Kinh Sáng Danh mời gọi nâng tâm hồn con người lên cao và chiêm ngưỡng “dung nhan Người chói lọi như mặt trời”, một nếm cảm trước việc chiêm ngưỡng tương lai (Mt 17,2 ; x. RVM số 26.34.44).
Tạm kết
Kinh Mân Côi được xem là lời kinh thuộc về truyền thống tốt đẹp và đáng ca ngợi nhất của chiêm ngưỡng Ki-tô giáo, một lối sư phạm dạy đường nên thánh đích thực. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Mân Côi. Nguyện xin cho tất cả chúng ta biết cầm lại chuỗi Mân Côi với lòng tin tưởng, và tái khám phá những lợi ích của Kinh Mân Côi cho linh hồn mình dưới ánh sáng của Kinh Thánh (x. Rosarium Virginis Mariae số 5.43).
bài liên quan mới nhất
- Bài 103: Tiệc cưới Ca-na - Đôi điều thắc mắc | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
-
Bài 102: Sao Đức Giê-Su Lại Chịu Phép Rửa?| Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 101: Ba Vua, các Đạo Sĩ hay các Nhà Chiêm Tinh? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 100: Lễ Thánh Gia - Những cuộc hành hương theo luật Do Thái | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 99: Những cuộc Truyền Tin trong Kinh Thánh | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 98: Niềm trông đợi Đấng Me-si-a thời Đức Giêsu | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 97: Bối cảnh Do Thái thời Gioan Tẩy Giả | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 96: Cánh Chung luận theo Tin Mừng Luca | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 95: Ông là Vua sao? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 94: Các chứng nhân tử đạo | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa